Trần Hưng Đạo, còn được gọi là Hưng Đạo đại vương
hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, là một anh hùng dân tộc kiệt
xuất, một nhà chính trị, nhà văn cũng như là Tư lệnh tối cao chỉ huy quân đội
toàn quốc (Quốc Công Tiết Chế) của Đại Việt thời nhà Trần. Ông nổi tiếng trong lịch sử nước Việt với vai trò chỉ huy quân đội Đại Việt ba lần đẩy lùi quân Nguyên - Mông trong thế kỷ 13 (1258-1288). Chiến thắng của ông trước đội quân Nguyên
- Mông dưới thời Hốt Tất Liệt là một trong
những chiến công vĩ đại của lịch sử quân sự thế giới. Được coi là một trong những
nhà quân sự kiệt xuất nhất
trong lịch sử dân tộc, tư tưởng quân sự của ông đã được thể hiện rõ trong các luận
thuyết, tác phẩm của mình.
1.
Tiểu sử
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh tại huyện Tức Mặc, Nam Định. Năm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho rằng là năm 1228, nhưng cũng có tài liệu cho là năm 1230 hay 1231. Nhưng điều đó cũng cho thấy khi ông sinh ra thì triều đại nhà Trần cũng vừa mới thành lập được không lâu (thành lập năm 1225). Ông ông mất vì tuổi già vào
ngày 20 tháng Tám (âm lịch) năm Canh Tý (1300).
Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương (1228 - 1300) |
2.
Gia đình
Trần Hưng Đạo là con trai thứ ba của
Khâm Minh đại vương Trần Liễu,
gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Cho đến nay
vẫn không rõ mẹ ông là ai, có giả thiết đó là Thiện Đạo quốc mẫu, tên
huý là Nguyệt. Trước khi lấy Thuận Thiên công chúa, Trần Liễu đã có nguyên
phối tên là bà Nguyệt, một người trong tôn thất họ Trần Thuận Thiên công chúa do là con của Lý Huệ Tông, nên theo luật lệ của triều đình xưa, dù hoàng nữ
có là thiếp hoặc vợ thứ thì cũng được đưa lên hàng chính thất (vợ cả). Sau khi
Trần Liễu mất (1251),
bà Trần Thị Nguyệt đã xuất gia làm ni sư, hiệu là Diệu Hương.
Ông có người mẹ nuôi đồng thời là cô ruột,
Thụy Bà công chúa. Ông sinh ra ở kinh đô Thăng Long,
quê quán ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, Nam Định ngày nay.
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả ông là người có
dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, nhờ được những người tài giỏi đến giảng
dạy mà ông sớm trở thành người đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ.
Năm 1237, gia đình ông đã xảy
ra biến động. Do chú ông là Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng
chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền phụ chính ép cha ông
là Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) cho Trần Thái Tông dù bà đang
mang thai với Trần Liễu được ba tháng, đồng thời giáng Lý hoàng hậu xuống làm
công chúa.
Phẫn uất, Trần Liễu họp
quân chống lại nhưng thế cô không làm gì được, phải xin đầu hàng. Vì Thái Tông
cũng thương anh nên xin với Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu,
nhưng quân lính đều bị giết. Mang lòng hậm hực, Trần Liễu tìm
người tài nghệ để dạy văn, võ cho Trần Quốc Tuấn.
Khi trưởng thành, Trần Quốc Tuấn (19 tuổi) đem lòng
yêu công chúa Thiên Thành, không biết rõ gốc tích của
bà, nhưng các nhà nghiên cứu phần lớn đều đồng tình với quan điểm bà là con gái
trưởng của Trần Thái Tông tức là em họ của ông. Đầu
năm 1251,
Trần Thái Tông muốn gả công chúa cho Trung Thành vương, nên đã cho công chúa đến
ở trong dinh Nhân Đạo vương (cha của Trung Thành vương). Ngày rằm tháng giêng,
Trần Thái Tông mở hội lớn, ý muốn cho công chúa làm lễ kết tóc với Trung Thành
vương. Trần Quốc Tuấn muốn lấy công chúa, nhưng không làm thế nào được, mới
nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.
Mẹ nuôi Trần Quốc Tuấn là Thụy Bà công chúa biết
chuyện, sợ ông bị hại trong phủ, liền chạy đến cung điện cáo cấp, xin Trần Thái Tông cứu Trần Quốc Tuấn. Vua hỏi việc gì, Thụy Bà trả lời: "Quốc
Tuấn ngông cuồng, đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo bắt giữ rồi, e sẽ bị hại,
xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu". Trần Thái Tông vội sai
người đến dinh Nhân Đạo vương, vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Trần Quốc Tuấn đã ở
đấy. Hôm sau, Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng đến chỗ Trần Thái Tông xin lễ
cưới Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn. Thái Tông bắt đắc dĩ phải gả
công chúa cho ông và lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật
cho Trung Thành vương.
Tháng 4 năm đó, Trần Liễu ốm
nặng. Lúc sắp mất, Trần Liễu cầm
tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối: "Con
không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt
được". Trần Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng
không cho là phải.
Trần Hưng Đạo |
3.
Sự nghiệp
3.1. Kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258)
Trần Hưng Đạo trở thành võ quan nhà Trần lúc
nào không rõ, chỉ biết vào tháng Chín (âm lịch)
năm Đinh Tỵ (1257).
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258), ông được giao trách nhiệm phòng thủ biên giới
trước thời điểm quân Mông Cổ xâm lược vào tháng 12 năm 1257. Vào ngày 24 tháng
12, Thái tử Trần Hoảng cùng với cha là Thái Tông hoàng đế ngự lâu thuyền mà kéo
quân đến Đông Bộ Đầu, đập tan tác quân Nguyên Mông trong trận đánh ở đây, buộc
chúng phải rút chạy và chấm dứt cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất. Chiến
tranh kết thúc, Quốc Tuấn vẫn giữ nguyên tước cũ và trở về thái ấp ở Vạn Kiếp.
3.2. Kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai (1285)
Năm 1282, nhà Nguyên sai Toa
Đô mang quân vượt biển đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt. Chiến tranh giữa Đại Việt với nhà Nguyên đến gần. Tháng Mười (âm lịch)
năm 1283, để
chuẩn bị kháng chiến lần hai, Trần Hưng Đạo được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết chế
thống lĩnh các lực lượng quân sự. Tháng Tám (âm lịch)
năm sau (1284),
ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày
nay), đọc bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ nơi hiểm
yếu.
Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông lại
ào ạt tiến công vào phía bắc và vùng Thanh Hóa-Nghệ An.
Những trận đánh chặn ở biên giới của nhà Trần thất bại, quân Trần bị tổn thất.
Trần Hưng Đạo phải thu quân về Vạn Kiếp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, quân Trần đã tan vỡ;
Trần Quốc Tuấn thoát được là nhờ có Yết Kiêu kiên
quyết giữ thuyền đợi chủ tướng.
Tháng 5 (dương lịch) năm ấy (1285), ông vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng
chiến đấu quyết liệt với quân Nguyên, các cánh quân Trần do Trần Hưng Đạo cùng
các hoàng tử Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật chỉ huy thắng lợi ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp,... quân dân nhà Trần đã tiến vào Thăng Long, hoàng tử Thoát Hoan nhà
Nguyên bỏ chạy. Trần Hưng Đạo và Trần Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân
Nguyên ở bờ Bắc sông Hồng. Quân Nguyên đại bại rút chạy về phía Bắc. Quân Trần
do con Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiến (Trần Quốc Nghiễn) chỉ huy truy kích đến
tận biên giới, quân Nguyên phải giấu Thoát Hoan trong ống đồng để chạy trốn.
Trong cuộc chiến này, quân Trần giết được tướng Nguyên là Toa Đô và Lý Hằng.
3.3. Kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ ba (cuối năm 1287)
Cuối năm 1287, nhà Nguyên xâm lược
lần thứ ba. Trần Nhân Tông hỏi ông: "Năm nay đánh giặc thế nào?".
Trần Hưng Đạo đáp: "Năm nay đánh giặc nhàn". Lần này biết nhà Trần
đã phòng bị ở Thanh - Nghệ, Thoát Hoan tiến thẳng vào từ phía bắc và đông bắc.
Sau những cuộc đụng độ bất lợi ở biên giới, quân Trần rút lui. Khác với lần trước,
Trần Hưng Đạo không bỏ kinh đô mà tổ chức phòng thủ ở Thăng Long. Tháng 2 năm
1288, quân Nguyên đánh thành, quân Trần nấp trong thành bắn tên đạn ra. Trần Quốc
Tuấn sai Trần Cao vài lần đến trại Thoát Hoan xin giảng hoà, nhưng ban đêm thường
kéo ra từng toán nhỏ đánh lén vào trại quân Nguyên, đốt phá lương thực rồi rút
lui. Thoát Hoan điều quân ra ngoài truy kích, nhưng quân Trần thường ẩn nấp khó
phát hiện ra.
Quân Nguyên bao vây tấn công vài lần không có kết quả, cuối cùng phải rút lui.
Trong khi đó, đoàn thuyền lương quân
Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy bị Trần Khánh Dư chặn đánh tiêu diệt ở Vân Đồn. Thoát Hoan bỏ
Thăng Long về hành dinh Vạn Kiếp. Do bị thiếu lương và bệnh dịch, Thoát Hoan buộc
phải rút lui, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, một ngả của
bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy. Trần Hưng Đạo bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng trực tiếp tổ chức chiến trường
tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào
tháng Tư (âm lịch) năm Mậu Tý (1288), bắt sống Ô Mã Nhi,
Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan dẫn quân bộ tháo chạy theo đường Lạng Sơn,
dọc đường bị quân Việt đón đánh khiến "quân sĩ mười phần, tổn hại mất
5, 8 phần".
Trận Bạch Đằng là trận đánh
nổi bật nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, mang
tính chất khẳng định cũng là lần cuối cùng quân Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt.
Thuỷ quân Mông Cổ vốn không biết về chu trình thuỷ triều của sông. Trước
ngày diễn ra trận đánh quyết định này, ông đã đoán tuyến đường tháo chạy của
chúng và nhanh chóng cho quân cắm cọc gỗ vót nhọn ở đáy sông, tạo thành thế trận
cọc ngầm độc đáo giống như hồi thời Ngô Quyền, Lê Hoàn. Khi Ô Mã
Nhi cho quân vào sông, quân ta cử các tàu nhỏ vào nhử chúng khi nước còn lên
cao che hết cọc gỗ. Khi nước xuống, thuyền giặc liền bị mắc kẹt,
"không tiến cũng không lui được", ngay lập tức quân Trần Hưng Đạo
xông ra tấn công. Cuối cùng, 400 thuyền Mông Cổ bị đốt cháy hết. Toàn bộ
hạm đội giặc bị phá tan nát, Ô Mã Nhi bị bắt sống.
4.
Di sản
Dưới sự lãnh đạo của Trần
Hưng Đạo, quân đội nhà
Trần đã vượt qua vô vàn khó khăn và nguy hiểm,
chỉ với số đội quân ít thiện chiến, yếu hơn so quân giặc lại ba lần
đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược
hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng, "tiếng vang đến phương Bắc, khiến
chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên".
Chiến lược của ông đã góp phần rất lớn đến thắng lợi này nên chiến công vĩ đại
này thường gắn liền với tên tuổi của ông. Công lao to lớn này đã đưa ông lên
hàng "thiên tài quân sự có tầm chiến lược, và là một anh hùng dân tộc
bậc nhất của nhà Trần", một bậc thầy về chiến lược thực
sự. Chiến thắng của ông và quân đội Nhà Trần đã góp phần đánh dấu chấm hết thời
kỳ đỉnh cao của quân Nguyên - Mông trong lịch sử.
Có
thể nói tư tưởng quán xuyến suốt đời của Trần Hưng Đạo, là một tấm lòng tận
tụy đối với đất nước, là ý muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực
lượng thống nhất, là tinh thần yêu thương dân. Cho nên trước khi mất, ông vẫn
còn dặn vua Trần Anh Tông rằng: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu
rễ bền gốc" cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà.
Tượng đài Trần Hưng Đạo được đặt tại quảng trường 3-2 (Nam Định) |