Thursday, July 13, 2017

Albert Einstein - Một đỉnh cao của khoa học và nhân văn

Albert Einstein là nhà vật lý lý thuyết người Đức, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại (trụ cột kia là cơ học lượng tử). Mặc dù được biết đến nhiều nhất qua phương trình về sự tương đương khối lượng - năng lượng E = mc2 (được xem là "phương trình nổi tiếng nhất thế giới"), ông lại được trao Giải Nobel Vật lý năm 1921 "cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện". Công trình về hiệu ứng quang điện của ông có tính chất bước ngoặt khai sinh ra lý thuyết lượng tử.
Albert Einstein (1879 - 1955)
1. Tiểu sử
Albert Einstein sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879 trong một gia đình gốc Do Thái tại thành phố Ulm, bên dòng sông Đa Nuýp, tiểu bang Baden-Württemberg, nước Đức. Bố là ông Hermann Einstein, một kĩ sư đồng thời là nhân viên bán hàng, còn mẹ là Pauline Einstein (nhũ danh Koch). Năm 1880, gia đình chuyển đến München, tại đây bố và bác ông mở công ty Elektrotechnische Fabrik J. Einstein & Cie, chuyên sản xuất các thiết bị điện một chiều.
Albert Einstein lúc 14 tuổi (1893)
2. Gia đình
Cuối tháng 1 năm 1902, khi Einstein đang ở Berne, Marić đã sinh con gái đầu lòng tên là Lieserl theo như thư từ trao đổi giữa hai người; lúc đó Mileva đang ở nhà bố mẹ đẻ mình sống ở Novi Sad. Tên đầy đủ của con họ không được biết, và Lieserl sống đến khoảng sau năm 1903 do có thể bị sốt ban đỏ.
Einstein và Marić cưới tháng 1 năm 1903. Tháng 5 năm 1904, đứa con trai đầu tiên của hai người, Hans Albert Einstein, sinh ra tại Bern, Thụy Sĩ. Con trai thứ hai của họ, Eduard Einstein sinh tại Zurich vào tháng 6 năm 1910. Năm 1914, Einstein dời đến Berlin, trong khi vợ ông ở lại Zurich cùng với các con. Marić và Einstein ly dị ngày 14 tháng 2 năm 1919, sau khi sống ly thân trong 5 năm.
Einstein lấy người em họ hàng người Đức Elsa Löwenthal (née Einstein) vào ngày 2 tháng 6 năm 1919, sau khi có mối quan hệ với cô từ 1912. Hai người không có con chung và hai cô con gái riêng của Elsa được Albert đối xử như con đẻ, lấy họ của ông: Ilse Einstein và Margot Einstein. Năm 1935, Elsa Einstein được chẩn đoán các bệnh liên quan đến tim và thận; bà qua đời tháng 12 năm 1936.
Albert Einstein có ba người con, Lieserl Marić (1902 – 1903?), Hans Albert Einstein (1904 – 1973) và Eduard "Tete" Einstein (1910 – 1965), nhưng chỉ có Hans Albert kết hôn và có con. Chỉ có một người con ruột của Hans Albert còn sống sót đến tuổi trưởng thành là Bernhard Caesar Einstein, một nhà vật lý.
Einstein và Marić
3. Sự nghiệp
Khi bước vào sự nghiệp của mình, Einstein đã nhận ra cơ học Newton không còn có thể thống nhất các định luật của cơ học cổ điển với các định luật của trường điện từ. Từ đó ông phát triển thuyết tương đối đặc biệt, với các bài báo đăng trong năm 1905. Tuy nhiên, ông nhận thấy nguyên lý tương đối có thể mở rộng cho cả trường hấp dẫn, và điều này dẫn đến sự ra đời của lý thuyết về hấp dẫn trong năm 1916, năm ông xuất bản một bài báo về thuyết tương đối tổng quát. Ông tiếp tục nghiên cứu các bài toán của cơ học thống kê và lý thuyết lượng tử, trong đó đưa ra những giải thích về lý thuyết hạt và sự chuyển động của các phân tử. Ông cũng nghiên cứu các tính chất nhiệt học của ánh sáng và đặt cơ sở cho lý thuyết lượng tử ánh sáng. Năm 1917, Einstein sử dụng thuyết tương đối tổng quát để miêu tả mô hình cấu trúc của toàn thể vũ trụ. Cùng với Satyendra Nath Bose, năm 1924-1925 ông tiên đoán một trạng thái vật chất mới đó là ngưng tụ Bose-Einstein của những hệ lượng tử ở trạng thái gần độ không tuyệt đối. Tuy cũng là cha đẻ của thuyết lượng tử, nhưng ông lại tỏ ra khắt khe với lý thuyết này. Điều này thể hiện qua những tranh luận của ông với Niels Bohr và nghịch lý EPR về lý thuyết lượng tử.
Khi ông đang thăm Hoa Kỳ thì Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, do vậy ông đã không trở lại nước Đức, nơi ông đang là giáo sư ở Viện Hàn lâm Khoa học Berlin. Ông định cư tại Hoa Kỳ và chính thức trở thành công dân Mỹ vào năm 1940. Vào lúc sắp diễn ra Chiến tranh thế giới lần hai, ông đã ký vào một lá thư cảnh báo Tổng thống Franklin D. Roosevelt rằng Đức Quốc xã có thể đang nghiên cứu phát triển "một loại bom mới cực kỳ nguy hiểm" và khuyến cáo nước Mỹ nên có những nghiên cứu tương tự. Thực sự, nó đã dẫn đến sự ra đời của Dự án Manhattan sau này. Einstein ủng hộ bảo vệ các lực lượng Đồng minh, nhưng nói chung chống lại việc sử dụng phát kiến mới về phân hạch hạt nhân làm vũ khí. Sau này, cùng với nhà triết học người Anh Bertrand Russell, ông đã ký Tuyên ngôn Russell–Einstein, nêu bật sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Einstein làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton, New Jersey cho đến khi ông qua đời vào năm 1955.
Einstein đã công bố hơn 300 bài báo khoa học và hơn 150 bài viết khác về những chủ đề khác nhau, ông cũng nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự trong khoa học, y học và triết học từ nhiều cơ sở giáo dục đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ông được tạp chí Times gọi là "Con người của thế kỷ". Những thành tựu tri thức lớn lao của ông đã khiến tên gọi "Einstein" đã trở nên đồng nghĩa với từ thiên tài.
Albert Einstein
4. Di sản
Trong cuộc đời cống hiến nghiên cứu khoa học, Albert Einstein đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Tên của ông cũng được lấy để đặt cho nhiều giải thưởng.
Giải thưởng đoạt được
1.    Giải Nobel Vật lý 1921
2.    Huy chương Matteucci 1921
3.    Huy chương Copley 1925
4.    Huy chương Max Planck đầu tiên 1929
5.    The Franklin Institute Awards 1935: Albert Einstein
Giải thưởng mang tên ông
1.    Giải thưởng Albert Einstein do Lewis and Rosa Strauss Memorial Fund thành lập năm 1951 nhằm trao cho các công trình vật lý lý thuyết nổi bật trong khoa học tự nhiên.
2.    Huy chương Albert Einstein do Hội Albert Einstein lập 1979 trao hàng năm cho những người có cống hiến xuất sắc liên quan tới công trình của Albert Einstein
3.    Giải Einstein của Hội Vật lý Hoa Kỳ thành lập năm 2003 trao 2 năm một lần cho những người có thành tựu nổi bật trong lãnh vực tương tác hấp dẫn.
4.    Giải Khoa học thế giới Albert Einstein do Hội đồng Văn hóa Thế giới lập năm 1984 trao hàng năm cho các công trình nhìn nhận và khuyến khích các người có công nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật đem lại lợi ích thiết thực cho nhân loại.
5.    Albert Einstein Peace Prize được khởi động từ năm 1979 nhân dịp 100 năm ngày sinh Albert Einstein, trao cho những người đã đóng góp cho hòa bình thế giới. Giải thưởng đầu tiên được trao cho Alva Reimer Myrdal
Để ghi nhớ công lao của Einstein, ngoài những công thức, phương trình và hiện tượng trong vật lý mang tên ông (như phương trình trường Einsteinvành Einstein...) còn có rất nhiều thứ khác được gán cho tên của ông như:
- Một núi lửa được phát hiện năm 1952 trên bán cầu bắc, phần không nhìn thấy của Mặt Trăng được đặt tên theo tên ông: Hố va chạm Einstein.
- Một tiểu hành tinh vòng trong vành đai chính phát hiện năm 1973 được đặt tên theo tên ông: 2001 Einstein. 
- Các nhà hóa học đặt tên của ông cho nguyên tố thứ 99 trong bảng tuần hoàn Einsteini.
Albert Einstein

Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ lúc mở đầu (1416) cho tới khi kết thúc thắng lợi (tháng 12-1427), trải qua các giai đoạn phát triển và chiến lược, chiến thuật của nó đã chứng minh Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng. Ông là một trong 14 vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam.

1. Tiểu sử
Lê Lợi sinh vào giờ tý ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385), tức ngày 10 tháng 9 năm 1385, niên hiệu Xương Phù năm thứ 9 đời nhà Trần tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa và mất vào ngày 5 tháng 91433. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lê – triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1428 đến khi qua đời, và sử dụng niên hiệu Thuận Thiên.
Lê Lợi (1385 - 1433)
2. Gia đình
Cụ tổ của Lê Lợi là Lê Hối, có lần đến Lam Sơn, sách Đại Việt thông sử đã chép rằng: ''Đã trông thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, giống như cảnh đông người tụ hội''. Lê Hối cho là đất tốt và chuyển nhà đến ở đấy. Sau 3 năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, các thế hệ họ Lê thay nhau làm quân trưởng ở Thanh Hóa.
Lê Hối sinh ra Lê Thinh, nối được nghiệp nhà, có tới hơn 1000 tôi tớ, lấy vợ là Nguyễn Thị Quách, sinh được hai người con trai, con trưởng là Lê Tòng, con thứ là Lê Khoáng.
Lê Khoáng lấy Trịnh Thị Ngọc Thương (Chủ Sơn nay là Thủy Chú). Bà Trịnh Thị Ngọc Thương là con gái của viên Đại toát hữu, một chức tướng quân thời Trần. Hai ông bà ở làng Lam Sơn thì các tù trưởng người Ai Lao kéo đến cướp phá, hai cụ chuyển tới Thủy Chú, sinh ra Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi, lại sinh ba người con gái là quốc thái trưởng công chúa Ngọc Tá, quốc trưởng công chúa Ngọc Vĩnh và quốc trưởng công chúa Ngọc Tiên.
Lê Lợi là con út của Lê Khoáng nhưng được nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn.
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả ông là người "thiên tư tuấn tú khác thường'', khi lớn lên, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có bảy nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hồ". Lúc vua chưa sinh ra, có một cây quế, dưới cây quế có một con hùm xám thường xuất hiện, nó hiền lành và thân cận với người chưa từng hại ai. Từ khi vua ra đời con hùm xám không còn ai nhìn thấy nữa. Vào ngày vua sinh có hòa quang đỏ chiếu sáng rực và mùi thơm ngào ngạt khắp làng.
Lê Thái Tổ
3. Sự nghiệp
Khi quân Minh chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi xâm lăng. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuất phục. Ông nói: "Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?". Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Đại Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách.
Tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về. Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa, ở đó có đủ các tầng lớp xã hội và thành phần dân tộc khác nhau với những đại biểu ưu tú như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý, Xa Khả Tham... Sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ mở đầu (1416) tới khi kết thúc thắng lợi (tháng 12-1427), qua các giai đoạn phát triển và chiến lược, chiến thuật của nó đã chứng minh Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng. Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới. Không có Lê Lợi, không có phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng Lê Lợi không chỉ là người nhen nhóm, tạo lập ra tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn mà ông còn là nhà chỉ đạo chiến lược kiệt xuất. Một nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi thực hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy rõ tính chất nhân dân rộng rãi của nó, một đặc điểm nổi bật không có ở các cuộc khởi nghĩa khác chống Minh trước đó. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại một kinh nghiệm lịch sử quý giá.
Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh "vây thành diệt viện" theo lý thuyết quân sự ông nghiền ngẫm: Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành kiên cố hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỏi, khí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều bị giặc đánh, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để đợi quân cứu viện tới. Khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng". Chiến thuật "vây thành diệt viện" của Lê Lợi kết hợp với chủ trương "mưu phạt nhị tâm công", uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cuộc vây hãm Vương Thông ở Đông Quan và tiêu diệt viện binh giặc tại Chi Lăng, Xương Giang cuối năm 1427 là kết quả thắng lợi của tư tưởng quân sự của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Sau khi đuổi hết giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê. Lê Lợi làm vua được 5 năm thì mất (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước buổi đầu của vương triều Lê, Lê Lợi đã có những cố gắng không nhỏ về nội trị, ngoại giao, nhằm phục hồi, củng cố, phát triển đất nước trên mọi mặt, như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài. Năm 1428, lên ngôi vua, năm sau (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2, 1429), Lê Lợi đã cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Đấy là chưa kể năm 1426 trong khi đang vây đánh Đông Quan, Lê Lợi đã mở một khoa thi đặc cách lấy đỗ 32 người, trong đó có Đào Công Soạn, một nhà ngoại giao xuất sắc thời Lê Lợi. Nhưng, nhiệm vụ chính trị lớn nhất phải quan tâm giải quyết hàng đầu sau khi đất nước được giải phóng là việc tăng cường củng cố, giữ vững nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Về phương diện này, Lê Lợi đã làm được hai việc có ý nghĩa lịch sử. Thứ nhất, ông đã thành công trong cuộc đấu tranh ngoại giao, thiết lập quan hệ bình thường giữa triều Lê và triều Minh. Thứ hai, Lê Lợi đã kiên quyết đập tan những âm mưu và hành động bạo loạn muốn cát cứ của một số ngụy quân trước, điển hình là vụ Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Lai Châu. Trong bài thơ làm khắc vào vách đá núi Pú Huổi Chò (bên sông Đà, thuộc Lai Châu) năm 1431 khi đánh Đèo Cát Hãn, Lê Lợi đã nói rõ ý chí bảo vệ sự thống nhất giang sơn:
Đất hiểm trở từ nay không còn,
Núi sông đã vào chung một bản đồ.
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ miền Tây của nước Việt ta.
Sau bài thơ trên, Lê Lợi còn viết bài thơ thứ hai khắc vào vách núi Hào Tráng bên Chợ Bờ, Hòa Bình.
Lê Lợi trong 5 năm làm vua, có những công lao to lớn. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp.".
Lê Thái Tổ trả lại thanh bảo kiếm cho thần Kim-Quy tại hồ Hoàn Kiếm sau khi chiến thắng quân Minh
4. Di sản
Giữa Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ của Trung Quốc có những điểm tương đồng trong thân thế, cuộc đời sự nghiệp bản thân và sự nghiệp của hậu duệ:
- Cả Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ đều xuất thân từ gia đình nông dân và là con thứ ba trong nhà. Trên Lê Lợi có Lê Học, Lê Trừ còn trên Lưu Bang có Lưu Bá, Lưu Trọng.
- Cuộc khởi nghĩa của cả hai vị vua đều gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu tiên, phải thường xuyên lẩn trốn sự truy kích của kẻ thù, thậm chí có những lúc rơi vào tính thế hiểm nghèo.
- Cả hai vị vua đều thoát chết nhờ thuộc hạ tình nguyện hy sinh cứu chủ. Khi bị Hạng Vũ vây ở Huỳnh Dương, Lưu Bang đã phải nhờ Kỷ Tín ra hàng và bị Hạng Vũ giết. Lê Lợi bị quân Minh vây ở núi Chí Linh cũng phải nhờ Lê Lai theo gương Kỷ Tín để thoát nạn. Lê Lai cũng bị quân Minh giết.
- Sau khi lên ngôi, hai vị hoàng đế đều giết các công thần khai quốc. Lưu Bang giết Hàn TínBành Việt; Lê Lợi giết Phạm Văn XảoTrần Nguyên Hãn.
- Sau khi qua đời, cả Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ đều được đặt chữ "Cao". Lưu Bang là (Cao Tổ) Cao hoàng đế, Lê Lợi là (Thái Tổ) Cao hoàng đế.
- Về sau, cơ nghiệp của hai vị vua đều bị họ khác cướp ngôi. Nhà Hán và nhà Hậu Lê đều bị gián đoạn một thời gian, nhưng rồi lại phục hồi. Nhà Tây Hán bị Vương Mãng cướp ngôi (lập nhà Tân), nhưng sau đó được nhà Đông Hán kế tục. Nhà Hậu Lê (Lê sơ) bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi (lập nhà Mạc), rồi sau đó được nhà Lê trung hưng kế tục.
Khi ngự phê sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vua Tự Đức nhà Nguyễn cũng đánh giá Lê Lợi "mở được nền chính thống nghìn năm, thật đáng là bậc nối gót Hán Cao Tổ". Sử quan nhà Nguyễn trong lời cẩn án dưới lời phê của Tự Đức còn nêu thêm một điểm giống nhau nữa giữa Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ: hai người cùng dấy binh nổi lên với một thanh kiếm.
Tượng đài Lê Lợi tại Thành phố Thanh Hóa


Trần Hưng Đạo: Gác thù riêng, dốc lòng vì nước

Trần Hưng Đạo, còn được gọi là Hưng Đạo đại vương hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, là một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một nhà chính trịnhà văn cũng như là Tư lệnh tối cao chỉ huy quân đội toàn quốc (Quốc Công Tiết Chế) của Đại Việt thời nhà Trần. Ông nổi tiếng trong lịch sử nước Việt với vai trò chỉ huy quân đội Đại Việt ba lần đẩy lùi quân Nguyên - Mông trong thế kỷ 13 (1258-1288). Chiến thắng của ông trước đội quân Nguyên - Mông dưới thời Hốt Tất Liệt là một trong những chiến công vĩ đại của lịch sử quân sự thế giới. Được coi là một trong những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử dân tộc, tư tưởng quân sự của ông đã được thể hiện rõ trong các luận thuyết, tác phẩm của mình.

1. Tiểu sử
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh tại huyện Tức MặcNam ĐịnhNăm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho rằng là năm 1228, nhưng cũng có tài liệu cho là năm 1230 hay 1231. Nhưng điều đó cũng cho thấy khi ông sinh ra thì triều đại nhà Trần cũng vừa mới thành lập được không lâu (thành lập năm 1225). Ông ông mất vì tuổi già vào ngày 20 tháng Tám (âm lịch) năm Canh Tý (1300).
Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương (1228 - 1300)
2. Gia đình
Trần Hưng Đạo là con trai thứ ba của Khâm Minh đại vương Trần Liễu, gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Cho đến nay vẫn không rõ mẹ ông là ai, có giả thiết đó là Thiện Đạo quốc mẫu, tên huý là Nguyệt. Trước khi lấy Thuận Thiên công chúa, Trần Liễu đã có nguyên phối tên là bà Nguyệt, một người trong tôn thất họ Trần Thuận Thiên công chúa do là con của Lý Huệ Tông, nên theo luật lệ của triều đình xưa, dù hoàng nữ có là thiếp hoặc vợ thứ thì cũng được đưa lên hàng chính thất (vợ cả). Sau khi Trần Liễu mất (1251), bà Trần Thị Nguyệt đã xuất gia làm ni sư, hiệu là Diệu Hương.
Ông có người mẹ nuôi đồng thời là cô ruột, Thụy Bà công chúa. Ông sinh ra ở kinh đô Thăng Long, quê quán ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, Nam Định ngày nay.
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả ông là người có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, nhờ được những người tài giỏi đến giảng dạy mà ông sớm trở thành người đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ.
Năm 1237, gia đình ông đã xảy ra biến động. Do chú ông là Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền phụ chính ép cha ông là Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) cho Trần Thái Tông dù bà đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng, đồng thời giáng Lý hoàng hậu xuống làm công chúa.
Phẫn uất, Trần Liễu họp quân chống lại nhưng thế cô không làm gì được, phải xin đầu hàng. Vì Thái Tông cũng thương anh nên xin với Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu, nhưng quân lính đều bị giết. Mang lòng hậm hực, Trần Liễu tìm người tài nghệ để dạy văn, võ cho Trần Quốc Tuấn.
Khi trưởng thành, Trần Quốc Tuấn (19 tuổi) đem lòng yêu công chúa Thiên Thành, không biết rõ gốc tích của bà, nhưng các nhà nghiên cứu phần lớn đều đồng tình với quan điểm bà là con gái trưởng của Trần Thái Tông tức là em họ của ông. Đầu năm 1251, Trần Thái Tông muốn gả công chúa cho Trung Thành vương, nên đã cho công chúa đến ở trong dinh Nhân Đạo vương (cha của Trung Thành vương). Ngày rằm tháng giêng, Trần Thái Tông mở hội lớn, ý muốn cho công chúa làm lễ kết tóc với Trung Thành vương. Trần Quốc Tuấn muốn lấy công chúa, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.
Mẹ nuôi Trần Quốc Tuấn là Thụy Bà công chúa biết chuyện, sợ ông bị hại trong phủ, liền chạy đến cung điện cáo cấp, xin Trần Thái Tông cứu Trần Quốc Tuấn. Vua hỏi việc gì, Thụy Bà trả lời: "Quốc Tuấn ngông cuồng, đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo bắt giữ rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu". Trần Thái Tông vội sai người đến dinh Nhân Đạo vương, vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Trần Quốc Tuấn đã ở đấy. Hôm sau, Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng đến chỗ Trần Thái Tông xin lễ cưới Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn. Thái Tông bắt đắc dĩ phải gả công chúa cho ông và lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành vương.
Tháng 4 năm đó, Trần Liễu ốm nặng. Lúc sắp mất, Trần Liễu cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Trần Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải.
Trần Hưng Đạo
3. Sự nghiệp

3.1. Kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258)

Trần Hưng Đạo trở thành võ quan nhà Trần lúc nào không rõ, chỉ biết vào tháng Chín (âm lịch) năm Đinh Tỵ (1257). Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258),  ông được giao trách nhiệm phòng thủ biên giới trước thời điểm quân Mông Cổ xâm lược vào tháng 12 năm 1257. Vào ngày 24 tháng 12, Thái tử Trần Hoảng cùng với cha là Thái Tông hoàng đế ngự lâu thuyền mà kéo quân đến Đông Bộ Đầu, đập tan tác quân Nguyên Mông trong trận đánh ở đây, buộc chúng phải rút chạy và chấm dứt cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất. Chiến tranh kết thúc, Quốc Tuấn vẫn giữ nguyên tước cũ và trở về thái ấp ở Vạn Kiếp.

3.2. Kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai (1285)

Năm 1282, nhà Nguyên sai Toa Đô mang quân vượt biển đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt. Chiến tranh giữa Đại Việt với nhà Nguyên đến gần. Tháng Mười (âm lịch) năm 1283, để chuẩn bị kháng chiến lần hai, Trần Hưng Đạo được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh các lực lượng quân sự. Tháng Tám (âm lịch) năm sau (1284), ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), đọc bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu.
Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông lại ào ạt tiến công vào phía bắc và vùng Thanh Hóa-Nghệ An. Những trận đánh chặn ở biên giới của nhà Trần thất bại, quân Trần bị tổn thất. Trần Hưng Đạo phải thu quân về Vạn Kiếp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, quân Trần đã tan vỡ; Trần Quốc Tuấn thoát được là nhờ có Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền đợi chủ tướng.

Tháng 5 (dương lịch) năm ấy (1285), ông vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với quân Nguyên, các cánh quân Trần do Trần Hưng Đạo cùng các hoàng tử Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật chỉ huy thắng lợi ở Hàm TửChương DươngTây KếtVạn Kiếp,... quân dân nhà Trần đã tiến vào Thăng Long, hoàng tử Thoát Hoan nhà Nguyên bỏ chạy. Trần Hưng Đạo và Trần Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ Bắc sông Hồng. Quân Nguyên đại bại rút chạy về phía Bắc. Quân Trần do con Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiến (Trần Quốc Nghiễn) chỉ huy truy kích đến tận biên giới, quân Nguyên phải giấu Thoát Hoan trong ống đồng để chạy trốn. Trong cuộc chiến này, quân Trần giết được tướng Nguyên là Toa Đô và Lý Hằng.

3.3. Kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ ba (cuối năm 1287)

Cuối năm 1287, nhà Nguyên xâm lược lần thứ ba. Trần Nhân Tông hỏi ông: "Năm nay đánh giặc thế nào?". Trần Hưng Đạo đáp: "Năm nay đánh giặc nhàn". Lần này biết nhà Trần đã phòng bị ở Thanh - Nghệ, Thoát Hoan tiến thẳng vào từ phía bắc và đông bắc. Sau những cuộc đụng độ bất lợi ở biên giới, quân Trần rút lui. Khác với lần trước, Trần Hưng Đạo không bỏ kinh đô mà tổ chức phòng thủ ở Thăng Long. Tháng 2 năm 1288, quân Nguyên đánh thành, quân Trần nấp trong thành bắn tên đạn ra. Trần Quốc Tuấn sai Trần Cao vài lần đến trại Thoát Hoan xin giảng hoà, nhưng ban đêm thường kéo ra từng toán nhỏ đánh lén vào trại quân Nguyên, đốt phá lương thực rồi rút lui. Thoát Hoan điều quân ra ngoài truy kích, nhưng quân Trần thường ẩn nấp khó phát hiện ra. Quân Nguyên bao vây tấn công vài lần không có kết quả, cuối cùng phải rút lui.
Trong khi đó, đoàn thuyền lương quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy bị Trần Khánh Dư chặn đánh tiêu diệt ở Vân ĐồnThoát Hoan bỏ Thăng Long về hành dinh Vạn Kiếp. Do bị thiếu lương và bệnh dịch, Thoát Hoan buộc phải rút lui, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy. Trần Hưng Đạo bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng trực tiếp tổ chức chiến trường tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào tháng Tư (âm lịch) năm Mậu Tý (1288), bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan dẫn quân bộ tháo chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân Việt đón đánh khiến "quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 8 phần".
Trận Bạch Đằng là trận đánh nổi bật nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, mang tính chất khẳng định cũng là lần cuối cùng quân Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt. Thuỷ quân Mông Cổ vốn không biết về chu trình thuỷ triều của sông. Trước ngày diễn ra trận đánh quyết định này, ông đã đoán tuyến đường tháo chạy của chúng và nhanh chóng cho quân cắm cọc gỗ vót nhọn ở đáy sông, tạo thành thế trận cọc ngầm độc đáo giống như hồi thời Ngô Quyền, Lê Hoàn. Khi Ô Mã Nhi cho quân vào sông, quân ta cử các tàu nhỏ vào nhử chúng khi nước còn lên cao che hết cọc gỗ. Khi nước xuống, thuyền giặc liền bị mắc kẹt, "không tiến cũng không lui được", ngay lập tức quân Trần Hưng Đạo xông ra tấn công. Cuối cùng, 400 thuyền Mông Cổ bị đốt cháy hết.  Toàn bộ hạm đội giặc bị phá tan nát, Ô Mã Nhi bị bắt sống.

4. Di sản
Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua vô vàn khó khăn và nguy hiểm, chỉ với số đội quân ít thiện chiến, yếu hơn so quân giặc lại ba lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng, "tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên". Chiến lược của ông đã góp phần rất lớn đến thắng lợi này nên chiến công vĩ đại này thường gắn liền với tên tuổi của ông. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng "thiên tài quân sự có tầm chiến lược, và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần", một bậc thầy về chiến lược thực sự. Chiến thắng của ông và quân đội Nhà Trần đã góp phần đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên - Mông trong lịch sử.
Có thể nói tư tưởng quán xuyến suốt đời của Trần Hưng Đạo, là một tấm lòng tận tụy đối với đất nước, là ý muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực lượng thống nhất, là tinh thần yêu thương dân. Cho nên trước khi mất, ông vẫn còn dặn vua Trần Anh Tông rằng: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà.
Tượng đài Trần Hưng Đạo được đặt tại quảng trường 3-2 (Nam Định)

Lý Nam Đế - sinh mệnh đế vương nhưng không gặp vận

Tương truyền Lý Nam Đế sinh ra mang bản mệnh đế vương, chỉ tiếc không gặp vận nên nhà nước Vạn Xuân không thể trường tồn.

1. Tiểu sử
Nam Đế, húy là Lý Bí hoặc Lý Bôn, là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân. Nhiều sách sử cho biết tổ tiên của Lý Nam Đế là người thuộc tộc Bách Việt, vào cuối thời Tây Hán thì tránh sang ở Giao Châu để trốn nạn binh đao. Qua 7 đời, đến đời Lý Bí thì dòng họ Lý đã ở Việt Nam được hơn 5 thế kỷ. Chính sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là "Giao Châu thổ nhân".
Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất; 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.
Lý Nam Đế (503 - 548) 
2. Gia đình
Theo sách Văn minh Đại Việt của Nguyễn Duy Hinh căn cứ các thần phả thì Lý Bí không phải là thế hệ thứ 7 mà là thế hệ thứ 11 của họ Lý từ khi sang Việt Nam. Khoảng cách 11 thế hệ trong 5 thế kỷ hợp lý hơn là 7 thế hệ trong 5 thế kỷ. Theo đó, đời thứ 7 là Lý Hàm lấy bà Ma thị là người Việt, sinh ra Lý Thanh. Lý Thanh phục vụ dưới quyền thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi nhà Lưu Tống thời Nam Bắc Triều (Trung Quốc). Lý Thanh sinh ra Lý Hoa, Lý Hoa sinh ra Lý Cạnh. Lý Cạnh sinh ra Lý Thiên Bảo và Lý Bí. Nguồn tài liệu khác cho biết vợ Lý Cạnh là Phí thị, ngoài Lý Thiên Bảo và Lý Bí còn sinh ra Lý Xuân và Lý Hùng.
Về quê hương Lý Bí, các nguồn tài liệu ghi khác nhau. Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí ghi ông là người Thái Bình, phủ Long Hưng. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục: "tên Thái Bình đặt từ thời Đường (618-907), còn Long Hưng đặt từ thời Trần (1225-1400)", như vậy gọi Thái Bình và Long Hưng là gọi theo tên sau này đặt. Các sử gia nhà Nguyễn xác định Long Hưng thuộc Thái Bình và cho rằng quê Lý Bí thuộc Thái Bình. Việt Nam Sử Lược ghi rằng phủ Long Hưng thuộc tỉnh Sơn Tây (cũ). Các nhà nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng: thời Bắc thuộc, tỉnh Thái Bình hiện nay vẫn là biển. Tên gọi Thái Bình thời Bắc thuộc nằm trong khoảng vùng Sơn Tây. Tại khu vực này có nhiều đền thờ Lý Bí và những người gắn bó với ông như Triệu TúcPhạm TuLý Phật Tử.
Theo thần tích cổ, Lý Nam Đế có người vợ là Hứa Trinh Hòa, con ông Hứa Minh và bà Bùi Thị Quyền người làng Đông Mai, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Bà được Lý Nam Đế lập làm hoàng hậu. Bà đã cùng chồng chinh chiến ngoài mặt trận và bị tử trận do thuyền đắm tại hồ Điển Triệt cuối năm 546. Sau này bà được Triệu Việt Vương lập đền thờ tại quê nhà.
Tranh thờ Lý Bôn và hoàng hậu ở Vũ Thư, Thái Bình
3. Sự nghiệp
Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương, khí thế rất mạnh. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, phải sai người mang của cải đến đút lót cho Lý Bí để được tha chạy thoát về Quảng Châu[12]. Quân của Lý Bí đánh chiếm lấy thành Long Biên.
Tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, thứ sử La châu là Ninh Cự, thứ sử An châu là Úy Trí, thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh Lý Bí. Nhưng Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao Châu.
Cuối năm 542, Lương Vũ Đế lại sai thứ sử Giao Châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng sang đàn áp. Được tin quân Lương lại tiến sang, Lý Bí chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố đón đánh. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đi đến Hợp Phố, bị quân Lý Bí đánh bại, 10 phần chết đến 6-7 phần, quân tan rã. Chiến thắng này giúp Lý Bí kiểm soát toàn bộ Giao Châu, tức là miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam cộng thêm quận Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay).
Năm 544, tháng giêng, ông tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức (đức trời), lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.
Hiện có một số mâu thuẫn về kinh đô của Lý Nam Đế. Một số nguồn cho rằng Lý Nam Đế đóng đô ở thành Long Biên.[17] Tuy nhiên ngày nay đa số công nhận kinh đô của Lý Nam Đế là một tòa thành được xây ở cửa sông Tô Lịch (thuộc Hà Nội ngày nay).
Năm 548, ngày 20 (ngày Tân Hợi) tháng 3 (tức ngày 13-4 dương lịch), Lý Nam Đế ở động Khuất Lão lâu ngày bị nhiễm lam chướng, ốm qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (543-548), thọ 46 tuổi. Ngày nay, các sử gia trong hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã thống nhất xác định địa danh động Khuất Lão thuộc địa bàn xã Văn Lương, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ.
Lý Bí khởi binh chống nhà Lương
4. Di sản
Theo sử gia Lê Văn Hưu:
Binh pháp có câu: "Ba vạn quân đều sức, thiên hạ không ai địch nổi". Nay Lý Bí có 5 vạn quân mà không giữ được nước, thế thì Bí kém tài làm tướng chăng? Hay là quân lính mới họp không thể đánh được chăng? Lý Bí cũng là bậc tướng trung tài, ra trận chế ngự quân địch giành phần thắng không phải là không làm được, nhưng bị hai lần thua rồi chết, bởi không may gặp phải Trần Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh vậy.
Theo sử gia Ngô Sĩ Liên:
Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong, là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng? Than ôi! Không chỉ vì gặp phải Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng lên trợ thế cho giặc, há chẳng phải cũng do trời hay sao?
Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhận xét:
Nam Đế nhà Lý dù không địch nổi quân Lương, việc lớn tuy không thành nhưng đã biết nhân thời cơ mà vùng dậy, tự làm chủ nước mình, đủ để tạo thanh thế và mở đường cho nhà Đinhnhà Lý sau này. Việc làm của Lý Nam Đế há chẳng phải là hay lắm đó sao!
Đền thờ Lý Nam Đế ở Vân Cát, Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định

Bài viết nổi bật

Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ lúc mở đầu (1416) cho tới khi kết thúc thắng lợi (tháng 12-1427), trải qua các giai đoạn phát triển và chiến lượ...

Bài xem nhiều nhất tuần

Bài xem nhiều nhất tháng

Bài xem nhiều nhất năm